Công nghệ thông tin ( Information Technology) là ngành ứng dụng công nghệ quản lý và xử lý thông tin thông qua công cụ chủ yếu là máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền, và thu thập thông tin. người làm việc trong ngành này thường được gọi là dân công nghệ thông tin (IT specialist).
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiêp
Công nghệ thông tin là ngành sẽ mang đến cho bạn cơ hội việc làm lớn vì công nghệ thông tin có mặt ở khắp mọi nơi, hiện diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hơn thế nữa với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam công nghệ thông tin là một trong những ngành được chú trọng phát triển. Làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin bạn luôn có cơ hội tiếp cận với những tri thức mới và đây cũng là lĩnh vực làm việc đầy năng động và sáng tạo. Phần lới nhân lực trong ngành này đều có tuổi đời rất trẻ vì vậy đây là cơ hội cho bạn làm việc trong một cộng đồng đầy năng động luôn muốn phát huy hết khả năng, năng lực và khả năng sáng tạo để thực hiện những hoài bão ước mơ của mình. Bên cạnh đó công nghệ thông tin cũng là ngành có nhiều thách thức và đó cũng là cơ hội cho bạn có thể khẳng định mình. Công nghệ thông tin là nghề có tính cạnh tranh gay gắt và đào thải khốc liệt vì vậy nếu là người có đủ tài năng và bản lĩnh thì đây là lĩnh vực mà bạn có cơ hội để thể hiện bản thân. Chính vì thế mà ngành công nghệ thông tin mang đến cho bạn nhiều cơ hội thành đạt.
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: Bạn có thể làm các công việc như: nghiên cứu, xây dựng, cung cấp các phần mềm, các ứng dụng , xây dựng website, games ... tại các công ty phần mềm hoặc tham gia vào lắp ráp, chế tạo các thiết bị phần cứng tại các công ty sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng hoặc bạn cũng có thể làm việc tại các công ty cung cấp giải pháp tích hợp hay các công ty an ninh mạng.
Phẩm chất, kỹ năng yêu cầu
- Thông minh và có khả năng sáng tạo.
- Có năng khiếu về toán đại.
- Khả năng làm việc dưới áp lực lớn.
- Kiên trì nhẫn nại
- Ham học hỏi và chính xác trong công việc.
- Khả năng làm việc theo nhóm.
- Tình độ ngoại ngữ
- Đam mê công nghệ thông tin.
Địa chỉ đào tạo
Các bạn có thể vào mục TÌM TRƯỜNG trên website để tìm các trường đào tạo ngành này.
Các ngành nghề đầo tạo:
Các ngành nghề đầo tạo:
1. Công nghệ Thông tin
(Bao gồm những ngành sau: Công nghệ Thông tin, Công nghệ Tin học.)
Chuyên ngành công nghệ thông tin trang bị cho học viên kiến thức đại cương thuộc khối Khoa học Tự nhiên: Toán tin học - xác suất thống kê - vật lý hiện đại… kiến thức cơ bản về ngành: lý thuyết thông tin - ngôn ngữ lập trình - kỹ thuật điện tử - hệ điều hành - vi xử lý. Bên cạnh việc cung cấp khối kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: Nhận dạng và xử lý ảnh - đồ hoạ máy tính - chương trình dịch - công nghệ phần mềm… sinh viên còn được học một số môn học theo tín chỉ nhằm bổ trợ kiến cho ngành : Thiết kế cơ sở dữ liệu và phân bố - lập trình mạng… đồng thời được rèn luyện kỹ năng thực hành theo 5 hướng chuyên môn tuỳ chọn: kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin quản lý, phần mềm ứng dụng, công nghệ phần mềm và lập trình mạng… để sau khi ra trường sinh viên có khả năng thiết kế và phát triển các hệ thống máy tính cả về phần cứng lẫn phần mềm, chế tạo các sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin quản lý, hệ thống truyền thông, hệ thống điều khiển…
* * *
2.Công nghệ kỹ thuật phần mềm
(Bao gồm những ngành sau: Công nghệ kỹ thuật phần mềm, Lập trình máy tính, Lập trình game.)
Chuyên ngành kỹ thuật phần mềm trang bị cho sinh viên những kiến thức chung dành cho khối khoa học tự nhiên và các kiến thức cơ bản về ngành, đồng thời sinh viên còn được trang bị các kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: lý thuyết thông tin - ngôn ngữ lập trình - kỹ thuật điện tử - hệ điều hành - vi xử lý… Bên cạnh việc cung cấp khối kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: Nhận dạng và xử lý ảnh - đồ hoạ máy tính - chương trình dịch - công nghệ phần mềm… và các kiến thức bổ trợ khác.
Sau khi ra trường cử nhân ngành kỹ thuật phần mềm có khả năng phân tích, thiết kế và quản lý các dự án phần mềm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quyền hạn của một chuyên viên trong lĩnh vực kỹ thuật phần mềm, đồng thời có khả năng xây dựng mô hình và áp dụng các nguyên tắc của công nghệ phần mềm vào thực tế…Sau khi ra trường sinh viên có thể làm việc tại các công ty phần mềm, các công ty an ninh mạng...
* * *
3.Công nghệ Kĩ thuật máy tính
(Bao gồm những ngành sau: Công nghệ Kĩ thuật máy tính, Khoa học Công nghệ Máy tính, Kỹ thuật Máy tính.)
Sinh viên học chuyên ngành kỹ thuật máy tính được cung cấp kiến thức chung về khối Khoa học Tự nhiên như: Giải tích - Đại số - Toán học rời rạc - Xác suất thống kê - Vật lý hiện đại… cùng với các kiến thức cơ bản dành cho ngành là: Ngôn ngữ lập trình C - Cấu trúc dữ liệu và Giải thuật - Mạch và Tín hiệu - kỹ thuật lập trình - Cơ sở truyền tin - Hệ Quản trị cơ sở dữ liệu - Kỹ thuật lập trình hướng đối tượng - Xử lý tín hiệu số - Phân tích và Thiết kế hệ thống - Trí tuệ nhân tạo - Nhập môn công nghệ phần mềm… bên cạnh đó còn được trang bị những kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: Ngôn ngữ và Phương pháp dịch - Kỹ thuật lập trình hướng sự kiện và Macroprocesser - Đặc trưng của ngôn ngữ lập trình - Thiết kế và Phân tích thuật toán - Tính toán song song…
Sau khi ra trường sinh viên có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của xã hội, có năng lực tham mưu, tư vấn và có khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tư cách của một chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin…Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty mạng truyền thông, cung cấp giải pháp tích hợp...
* * *
4.Mạng và truyền thông máy tính
(Bao gồm những ngành sau: Mạng và truyền thông máy tính, Kĩ thuật mạng máy tính, Công nghệ Thông tin & truyền thông, Quản trị mạng, Mạng Phần cứng, Hệ thống máy tính, An toàn thông tin, An ninh mạng.)
Mạng và truyền thông máy tính hay công nghệ mạng là chuyên ngành trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng về mạng máy tính: Bao gồm những khái niệm cơ bản nhất về mạng máy tính, phân loại mạng máy tính, các giao thức mạng, đặc biệt là giao thức TCP/IP, học viên tìm tòi và trau rồi các kiến thức cơ bản trên hoặc nghiên cứu phát triển, thiết kế và xây dựng mạng LAN và WAN, đồng thời chuyên ngành công nghệ mạng còn trang bị cho học viên kiến thức chuyên ngành khác như: Lý thuyết truyền tin, truyền số liệu và mạng máy tính, Hệ phân tán, Mạng Internet, Truyền thông đa phương tiện, An toàn - an ninh mạng, Quản trị mạng, Thiết kế và Cài đặt mạng, Xây dựng ứng dụng phân tán…
Sau khi ra trường sinh viên có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mạng phục vụ nhu cầu thông tin cho xã hội, có năng lực tham mưu, tư vấn và có khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tư cách của một chuyên gia công nghệ mạng. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty truyền thông, các công ty cung cấp dịch vụ mạng và an ninh mạng...
* * *
5.Hệ thống thông tin
(Bao gồm những ngành sau: Hệ thống thông tin, Quản lí thông tin.)
Khi học chuyên ngành Hệ thống thông tin sinh viên sẽ được học bên cạnh các kiến thức chung về khối Khoa học Tự nhiên cùng với kiến thức cơ bản dành cho ngành giống như sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính, đồng thời sinh viên còn được trang bị kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành: Cơ sở dữ liệu nâng cao - An toàn các hệ thống thông tin - Mô hình client, server - Hệ chuyên gia - Hệ trợ giúp quyết định…
Sau khi ra trường sinh viên có khả năng truyền tải bảo mật hệ thống thông tin trên máy tính và trên mạng. Tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại các công ty mạng và cung cấp thiết bị mạng, các công ty cung cấp dịch vụ kết nối....
* * *
6.Tin học ứng dụng
(Bao gồm những ngành sau: Tin học ứng dụng, Tin học kinh tế, Tin học kế toán, Tin học ngân hàng, Cơ tin Kĩ thuật, Tin học ứng dụng trong truyền hình, Tin học Xây dựng, Tin học mỏ, Tin học địa chất, Tin học trắc địa, Toán tin ứng dụng, Tin học môi trường, Tin học quản lí.)
Chuyên ngành tin học ứng dụng trang bị những kiến thức chung về Toán: Giải tích - Đại số và Hình giải tích - Xác suất thống kê - Phương pháp tính - Phương trình vi phân và Chuỗi… và trang bị kiến thức cơ bản dành cho chuyên ngành: Cấu trúc dữ liệu và Thuật toán - Giải tích hàm - Kỹ thuật lập trình - Phân tích số liệu - Toán rời rạc - Hệ điều hành UNIX… Đồng thời, sinh viên cũng sẽ được cung cấp các kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: Cấu trúc máy tính - Hệ thống và Máy tính - Phân tích chuỗi thời gian - Mô hình kinh tế - Cơ sở toán ứng dụng - Đồ họa máy tính - Phương pháp sai phân và Phần tử hữu hạn - Phân tích thiết kế hệ thống - Lập trình hệ thống - Điều khiển học kinh tế - Nhận dạng và Trí tuệ nhân tạo - Cơ sở dữ liệu - An toàn máy tính và Dữ liệu… Không những thế, ngành này còn rèn luyện cho sinh viên khả năng xác định và đưa ra các lập luận cơ sở, có tư duy chính xác, sử dụng thành thạo máy tính…
Sinh viên sau khi học xong chương trình này có khả năng làm việc trong lĩnh vực hệ thống thông tin quản lý, kinh doanh, kế toán tài chính, văn phòng, quản lý và các dữ kiện của cơ quan, công ty bằng máy tính…. Khi ra trường có thể làm các công việc văn phòng tại bất kỳ công ty hay các ban ngành nào.
(theo tuvanhuongnghiep.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét