Sau khi Canon tung ra mẫu Digital Rebel vào năm 2003, DSLR đã vươn lên thống trị thị trường nhiếp ảnh trong vòng 10 năm liền. Song, cũng giống như nhiều xu hướng công nghệ khác, rất có thể ngày tàn của DSLR đã được báo trước ngay từ khi công nghệ này vẫn còn đang thống trị thị trường nhiếp ảnh như hiện nay.
Và kẻ truất ngôi của DSLR chắc chắn không phải là smartphone. Mặc dù các mẫu điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến, nhưng chúng không đủ sức để chinh phục những người dùng chuyên nghiệp, có nhu cầu và đam mê về nhiếp ảnh chất lượng cao.
Điều mà chúng ta đang nói tới là một bước ngoặt mới trong công nghệ nhiếp ảnh – sự trỗi dậy của một công nghệ mới, khiến DSLR buộc phải từ bỏ vị trí thống trị thị trường để trở thành sản phẩm dành riêng cho một số ít người dùng chuyên nghiệp.
Cuộc lật đổ này đã bắt nguồn từ ngay hôm nay...
DSLR là gì?
DSLR là một dòng máy ảnh cực kỳ phổ biến: Bạn có thể nhìn thấy DSLR ở khắp mọi nơi, cũng bởi vậy có rất nhiều người hiểu sai rằng DSLR là tất cả các loại máy ảnh chuyên nghiệp/bán chuyên có ống kính rời. Thực tế, DSLR là một loại máy ảnh cụ thể: Máy sử dụng cơ chế hoạt động phản xạ ống kính đơn (SLR) và sử dụng cảm biến kỹ thuật số thay cho phim.
Canon 5D, một trong những chiếc DSLR khá phổ biến trên thị trường
SLR là viết tắt của Single-lens reflex: Phản xạ ống kính đơn. Cơ chế SLR có tuổi đời hơn 100 năm và đã ảnh hưởng tới nhiều yếu tố căn bản của các dòng máy ảnh trong lịch sử như kích cỡ, hình dạng và thậm chí là cả hiệu năng.
Cơ chế SLR quyết định xem bạn sẽ nhìn thấy gì trên ống ngắm (viewfinder). Khi ánh sáng đi qua ống kính, ánh sáng được chiếu vào gương lật; gương sẽ chiếu lên lăng kính rồi chiếu lên lớp kính của ống ngắm nơi bạn đặt mắt. Khi bạn nhấn cò (nút lấy nét kiêm chụp ảnh), gương sẽ xoay ra ngoài đường đi của ánh sáng; khi đó ánh sáng sẽ chiếu thẳng vào cảm biến.
Đây là điểm khác biệt của máy "đơn ống kính": Các loại máy ảnh cũ có 2 ống kính, 1 ống kính dành riêng để chiếu ánh sáng vào phim, 1 ống kính để phục vụ cho ống ngắm. SLR trở nên phổ biến bởi đây là cách tốt nhất để chọn bố cục cho bức ảnh của bạn: Bạn sẽ thu được chính xác hình ảnh mà bạn nhìn thấy qua ống ngắm. Để làm được điều này, trước đây chỉ có một cách duy nhất là phản chiếu ánh sáng từ ống kính qua hệ thống gương vào mắt bạn, thay vì để ánh sáng chiếu thẳng vào cảm biến/phim.
Cơ chế SLR sẽ sớm trở nên lỗi thời
Trong những năm vừa qua, một dòng máy ảnh mới đã xuất hiện. Dòng máy ảnh này có hỗ trợ ống kính rời, nhưng lại không có bộ phận SLR. Tên của dòng máy này là máy ảnh không gương lật (MILC).
Các dòng máy ảnh không gương lật đáng chú ý bao gồm NEX của Sony, PEN của Olympus và dòng X của FujiFilm. Thay vì sử dụng cơ chế SLR, loại máy này chiếu thẳng hình ảnh khung hình lên màn hình LCD cỡ lớn và một ống ngắm điện tử siêu nhỏ.
Nikon D4 với dáng vẻ khổng lồ
Máy ảnh không gương lật đã chiếm được cảm tình của nhiều người hâm mộ nhiếp ảnh, bởi chúng có kích cỡ nhỏ và có dáng vẻ hoài cổ. Tuy vậy, máy ảnh không gương lật vẫn chưa thực sự nổi bật, chúng còn khá lạ lẫm và chưa được lòng một cộng đồng vốn đánh đồng "chất lượng" với "kích cỡ và độ lớn thân máy". Nói một cách dễ hiểu hơn, khi cầm DSLR, trông bạn chuyên nghiệp hơn. Các máy DSLR cỡ lớn sẽ nói thay bạn rằng: "Hãy nhìn tôi này, tôi rất sành về nhiếp ảnh"!
Dù cho cộng đồng nhiếp ảnh vẫn chưa thực sự ưa thích máy ảnh không gương lật, nhưng phải thừa nhận rằng các cải tiến công nghệ mới đang giúp chúng trở nên hoàn thiện hơn. Trong đó, bước tiến quan trọng nhất là ở ống ngắm điện tử (EVF).
Trong khi EVF của các thế hệ cũ có hình ảnh bị phân mảnh điểm ảnh và rất chậm, các ống ngắm điện tử thế hệ mới có chất lượng ngang bằng hoặc vượt trội so với ống ngắm quang. Giờ đây, chúng cho ra hình ảnh sáng, cỡ lớn và chính xác. EVF chất lượng cao cũng giúp bạn tiếp cận được các tính năng mà DSLR không làm được. Ví dụ, các tính năng trợ giúp lấy nét như phóng to hình ảnh hoặc peaking (hiển thị viền sáng cho các vật lấy nét) giúp hỗ trợ các ống kính "cổ" tốt hơn. Khả năng xem chính xác độ sáng của bức ảnh trước khi nhấn cò là vô giá.
Các hệ thống lấy nét cũng đang phát triển chóng mặt. Trước đây, lấy nét theo pha, loại hệ thống lấy nét tốt nhất, cần phải phụ thuộc vào gương lật để phản chiếu vào một cảm biến riêng đảm nhiệm vai trò tính toán nét. Hiện tại, khả năng lấy nét theo pha ngay trên cảm biến sẽ khiến gương trở nên thừa thãi. Ngay cả lấy nét theo độ tương phản cũng đang được cải thiện chất lượng.
Panasonic GX7
Kết quả là một thế hệ máy ảnh không gương lật mới có hiệu năng cao nhưng lại nhỏ, nhẹ và bền hơn so với DSLR.
Vương triều mới của máy ảnh không gương lật
Bước cuối cùng cho cuộc lật đổ của máy ảnh không gương lật đối với DSLR sẽ là phân khúc máy ảnh cao cấp. Sony sẽ sớm tung ra thị trường dòng máy ảnh không gương lật A7, bao gồm 2 mẫu máy ảnh ống kính rời với cảm biến full-frame. Sự ra đời của A7 có thể coi là ngày khởi đầu cho cái chết của DSLR.
Sony A7r
Cả 2 model trong dòng A7 của Sony, A7 (24MP) và A7r (36MP) đều có cảm biến full-frame chất lượng cao, và do đó sẽ thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa máy ảnh không gương lật và DSLR. A7 có giá 1.700 USD, A7r có giá 2.400 USD – tương đương với các máy DSLR full-frame ở cấp thấp nhất như Nikon D600 và Canon 6D. So với các model DSLR, A7 có kích cỡ nhỏ nhẹ hơn, dễ di chuyển hơn và có dáng vẻ dễ chịu hơn. Quan trọng nhất, chất lượng ảnh chụp của A7 và A7r là rất tuyệt vời. Dĩ nhiên, chúng không phải là các model hoàn hảo, song chúng vẫn là những model có chất lượng rất cao.
Chỉ trừ 2 ông lớn Canon và Nikon, tất cả các nhà sản xuất khác đều đang tập trung vào máy ảnh không gương lật. Điều này là dễ hiểu vì phần lớn lợi nhuận của Canon và Nikon đến từ DSLR. Bởi vậy, 2 hãng này không đánh cược lên máy không gương lật và cũng không hưởng lợi từ trào lưu mới này.
Cả 2 hãng mới chỉ giới thiệu một số model không gương lật ít ấn tượng và mờ nhạt trước các sản phẩm cạnh tranh của Sony, Olympus, Panasonic và Fujifilm. Đây là một dấu hiệu cho thấy Canon và Nikon sẽ không tập trung vào máy ảnh không gương lật với hi vọng rằng "cơn gió mới" này sẽ sớm chìm xuống. Thậm chí, Nikon còn vừa ra mắt Nikon Df, một chiếc full-frame có dáng "hoài cổ" học theo các máy không gương lật phổ biến, nhưng vẫn ngoan cố bám trụ với cơ chế SLR.
Nikon Df có dáng hoài cổ song lại là một chiếc DSLR
Hiển nhiên, DSLR sẽ không biến mất hoàn toàn. DSLR vẫn áp đảo trên các lĩnh vực như lấy nét tự động liên tục: Theo dõi các vật thể chuyển động đòi hỏi sức mạnh của hệ thống lấy nét theo pha kiểu truyền thống. DSLR cũng phù hợp hơn với các ống tele cỡ lớn. DSLR vẫn sẽ là lựa chọn số 1 của các thợ chụp ảnh chuyên nghiệp, thợ chụp ảnh thể thao và những người không quan tâm tới kích cỡ và cân nặng, thay vào đó chỉ đòi hỏi những chiếc máy ảnh bền bỉ, ổn định và hoạt động nhanh hết mức có thể.
Nhưng đó có thể cũng sẽ là những người duy nhất còn ở lại với DSLR. Với phần lớn cộng đồng nhiếp ảnh, có rất ít lý do để ở lại với DSLR. Chúng ta sẽ sớm được đón nhận những chiếc máy không gương lật có khả năng chiến thắng DSLR về cả chất lượng hình ảnh, trải nghiệm sử dụng và tính tiện dụng. Tại sao bạn – một người không có nhu cầu cao tuyệt đối và kinh phí khổng lồ cho nhiếp ảnh – lại phải mang một chiếc máy ảnh nặng hơn nửa cân so với máy ảnh không gương lật lên cổ và không được thêm lợi ích gì?
Quan trọng hơn hết, việc sở hữu những chiếc máy ảnh mỏng hơn, nhẹ hơn đồng nghĩa với việc bạn có thể mang chúng theo mọi lúc mọi nơi. "Chiếc máy ảnh tốt nhất là chiếc máy ảnh bạn đang có trên tay", và do đó máy ảnh không gương lật sẽ có lợi thế đáng kể so với máy ảnh DSLR, đặc biệt là với các nhiếp ảnh gia đường phố hoặc thường xuyên di chuyển.
Cuối cùng, cần phải khẳng định một lần nữa rằng máy ảnh DSLR sẽ không bị "hủy diệt" hoàn toàn. Chúng vẫn sẽ đem lại những giá trị nhất định cho một nhóm nhỏ người dùng chuyên nghiệp, có yêu cầu (và kinh phí) rất cao. Song, khi xét tới phần đông cộng đồng những người yêu thích nhiếp ảnh, công nghệ vốn đã thống trị lâu dài này có thể sẽ sớm chìm vào dĩ vãng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét