Hội Phủ Giầy, Nam Định
Về với hội Phủ Giầy của tỉnh Nam Định dịp tháng Ba (âm lịch), du khách sẽ được chứng kiến một không khí lễ hội rất đặc trưng của nhân dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phủ Giầy với huyền thoại về công chúa Giáng Tiên hay thánh mẫu Liễu Hạnh là “Thiên Bản lục kỳ chi nhất” (một trong 6 kỳ lạ nhất của đất Thiên Bản), là một trong tứ bất tử lưu truyền trong dân gian. Tương truyền rằng, xưa kia ở vùng đất kẻ Giầy thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có nàng tiên giáng thế tên là Giáng Tiên, là hiện thân của lòng chung thủy và nhân hậu. Vào một ngày đầu tháng ba, khi đã hết hạn đày ải dưới trần gian, Giáng Tiên phải quay về trời để lại cho người thân và nhân dân trong vùng đất kẻ Giầynhiều nỗi tiếc thương và lòng ngưỡng mộ, người dân liền lập bàn thờ bà. Phủ thờ đặt ở Kẻ Giầy nên người dân gọi là Phủ Giầy.
Phủ Giầy là một quần thể kiến trúc xuất hiện ở đời Lê Trung Hưng. Quần thể Phủ Giầy thờ Mẫu Liễu có ba di tích tiêu biểu là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và lăng Mẫu Liễu Hạnh, ngoài ra còn hơn chục đền, phủ, chùa chiền liên quan đến Mẫu Liễu trên các sườn và đỉnh núi. Các công trình này đều mang nét đẹp của kiến trúc truyền thống, đậm màu sắc văn hóa tiêu biểu của người Việt, đã được Nhà nước xếp hạng Di tích văn hóa cấp Quốc gia.
Để tưởng nhớ đến ngày công chúa Giáng Tiên rời trần thế, cứ vào tháng Ba hằng năm Phủ Giầy vào mùa lễ hội. Lễ hội được kéo dài trong cả tháng, nhưng chính hội tập trung vào 10 ngày, từ ngày 1 đến 10 tháng 3 âm lịch. Lễ vật cúng tế thường có bánh chưng, lợn sống, thịt bò, xôi, rượu, trầu cau… Chương trình hội thường tổ chức nhiều trò chơi thu hút đông đảo người dân tham gia như múa rối, múa côn, rước kiệu… Song nổi bật trong lễ hội Phủ Giầy là màn kéo chữ, còn gọi là hội hoa Trượng, diễn ra vào các ngày 7, 8, 9 tháng Ba. Đây là nét đặc trưng tiêu biểu của hội Phủ Giầy.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đã cuốn hút đông đảo người dân tham gia như một sự ghi ơn đối với bậc sinh thành. Điều đó đã lý giải vì sao hằng năm vào dịp tháng Ba, nhân dân ở khắp các miền quê lại đổ về vùng đất Sơn Nam đông đến thế. Những đoàn người tấp nập ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ… thậm chí có những người Việt kiều xa quêvàngười nước ngoài hằng năm vẫn hành hương về Phủ Giầy với tấm lòng thành kính và biết ơn.
Nguồn: QĐND
0 nhận xét:
Đăng nhận xét