Câu ca dao xưa còn đậm đà vị ngọt cho đến hôm nay...Trái bầu là hình ảnh của sự giản dị, mộc mạc nhưng đậm đà tình nghĩa của làng quê Việt Nam, nó tượng trưng cho sự thủy chung, tròn đầy hạnh phúc trong mỗi mái ấm gia đình.
Sau một ngày làm việc mệt nhọc húp một chén canh bầu mồ hôi vã ra, sự mệ nhọc tan đi rất nhanh. Còn ăn chung với cơm gạo tám thơm, nhất là Nàng thơm chính hiệu thì...bới một hơi ba bốn chén lúc nào không biết! |
Bầu là loại trái mọc trên thân dây leo. Bà con ta thường bỏ hột vào khoảng tháng 10, khi nước lũ vừa rút. Bầu là loại cây dễ trồng, không cần bón phân chỉ cần tưới nước nhiều và bón thêm dưới gốc một mớ rơm, trấu mục. Dây bầu lớn nhanh, lá tròn xòe rộng. Bà con ta thường bắt giàn cho dây bầu leo lên. Chỉ cần ít nhánh tre ngoài vườn, mớ đọt chà thả qua thì dây bầu cứ vươn ra thỏa thích. Giàn bầu vừa che bóng mát vừa tạo nên cảnh quan môi trường thơ mộng. Buổi trưa, nắng gắt khách đi đường tạt vào uống ngụm nước mưa, ngồi hóng mát dưới giàn bầu hít thở không khí trong lành thì thật là... dễ chịu!
Chừng hai tháng là bầu có trái. Trái bầu có nhiều loại: bầu eo (có hình giống như bầu rượu của các ông tiên trong truyện cổ tích), bầu sao (trái dài có đóm bông), bầu thúng (trái no tròn giống như cái thúng đựng lúa), bầu xanh (trái dài toàn thân có màu xanh đậm)... Những trái bầu treo lủng lẳng trên giàn giống như những chiếc lồng xanh xinh xinh. Lá bầu non xắt nhuyễn xào với thịt trâu ăn ngon đáo để, hay có thể dùng để gói thịt nấu món chả đùm, thịt sẽ dẻo và dai hơn. Trái bầu gọt vỏ, xắt sợi nấu canh với cá, tôm... hay xắt khúc luộc chấm với tương chao bình dị mà rất thơm. Bầu có trái rất sai, khi trái nhiều ăn không hết bà con đem ra chợ bán hoặc có người lo xa gọt vỏ xắt sợi phơi khô, phòng khi hiếm thức ăn sẽ dùng chế biến thành món ăn như bầu xào, bầu kho... vừa giòn, vừa dai rất ngọt, ngon.
Cá trê. |
Cá trê cũng có nhiều loại: cá trê vàng, cá trê trắng, cá trê dừa, cá trê năng... Thịt cá trê mềm, ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chế biến thành nhiều món ăn ngon như cá trê dừa nấu canh chua, cá trê năng chiên giòn ăn với nước mắm gừng, nhưng có lẽ ngon và đậm đà hương vị nhất vẫn là cá trê vàng nấu canh bầu: Vài con cá trê vàng ngâm với nước muối, xát tro chà sạch nhớt, tách bỏ và lấy hai cục máu tanh ở mang ra, cho cá vào nồi nước lạnh bắc lên bếp đun sôi. Bầu gọt vỏ, xắt sợi để sẵn, chờ tới khi nước sôi (lửa lớn) cá chín nứt da, hơi khoanh tròn, bóng mẫy thì vớt cá ra dĩa, chế vào đó tí nước mắm, rắc tiêu, ít lá hành hương xắt nhuyễn. Sau đó bỏ bầu vào nồi, nước sôi vài dạo cho thêm tí muối, đường, bột ngọt, vớt bọt cho nước canh trong, khi sợi bầu chín trong cho dĩa cá trở lại nồi, chờ nước sôi thêm một dạo là xong.
Canh bầu nấu với cá trê thơm lừng mùi cá, nước mắm, tiêu và hành lá. Cá trê không rã, vàng ươm. Sợi bầu và nước trong veo ngọt đậm đà.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét